Luận về khí sắc chính ứng với tốt xấu
Khí sắc như mây là quý
Khí sắc của con người như đám mây tô điểm cho mặt trời, tạo sự ấm áp mới là hình tướng phú quý. Nếu có khí sắc khô nóng mà khó để hiển thị thì sẽ có tật bệnh ở tỳ vị hay tim, bụng hoặc sẽ gặp lũ lụt, kiện cáo và họa lao ngục. Khí sắc của con người tốt nhất là sáng sủa, không rối loạn. Nếu tửu sắc quá độ thì khí sắc sẽ dễ tiến dễ lui, như sáng mà không sáng, mờ tối mà không tối. Đây gọi là khí sắc lưu tán. Nếu khí giống như say mà không phải say, giống như ngủ mà không phải ngủ là khí đục.
Trong Hựu tập giải viết: Xem khí sắc 4 mùa của con người chủ yếu xem 5 màu là xanh da trời, đỏ, vàng, trắng, đen. Đây là chính khí của 4 mùa. Chúng hiển hiện ở trên da gọi là màu da, chúng ẩn ở trong da gọi là khí. Khí ẩn giấu trong lông tóc của con người. Nếu muốn xem con người thuộc loại khí sắc nào thì đều cần xem xét kỹ.
Khí phân thành 3 loại, chính sắc là cát lợi
Trong Động vi ngọc giám viết: Khí thể là nhất thể, nếu phân biệt để luận thì phân thành 3 loại, chính là khí tự nhiên, khí hàm dưỡng, khí sở tập. Khí tự nhiên là chỉ tú khí của Ngũ hành, chúng ta nếu có khí này thì có thể thanh tú. Khí hàm dưỡng là tích tụ nghĩa mà sinh ra khí, có khí này thì chúng ta không bị yếu tố bên ngoài quấy nhiễu. Khí sở tập là tà khí, nếu khí tự nhiên của con người không nhiều, khí hàm dưỡng nhiều thì sẽ bị tà khí pha trộn. Suy rộng ra có 5 loại khí sắc: Xanh da trời, tía, vàng, trắng, đen.
Hoàng Chính Công khi luận về thần và khí có nói: Nếu thần mà nhiều thì là biểu hiện của thần có thừa, nếu thần mất đi là biểu hiện của thần không đủ, khí nhiều hơn thần thì chứng tỏ khí có thừa, khí ít hơn thần thì chứng tỏ khí không đủ. Cách nói này, biểu đạt được ý nghĩa hơn nữa lại giúp luận đoán chính xác. Khí và ngũ tạng nối liền với nhau, điều này có thể thấy được. Sự buồn vui, giận dữ, yêu thương của con người qua tim mà thay đổi khí sắc, khi có bệnh hay sắp từ giã cõi đời thì càng được thể hiện rõ.
Trạng thái của khí và sắc phản ánh sức sống
Tên gọi khác của khí sắc là gì
Khí sắc cơ bản của con người thường phù hợp với màu sắc của Ngũ hành, được gọi là bản sắc. Đó là màu sắc có từ lúc sinh ra, là khí có được do cha mẹ truyền cho, nếu như cha mẹ có thể khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ thì con cái khi sinh ra cũng khỏe mạnh, nguyên khí đầy đủ. Ngược lại, nếu như gen di truyền từ cha mẹ sang con cái mà có khiếm khuyết thì sự phát triển của con cái tất gặp trở ngại và khó khăn. Bản sắc của trẻ nhỏ, nếu như mỏng manh như chồi non mới mọc chứng tỏ nó được kế thừa từ một cơ thể mẹ khỏe khoắn. Nó chính là khí bẩm sinh, hiện ra trên một cơ thể đầy đặn, khỏe mạnh. Khí sắc của trẻ nhỏ và thanh thiếu niên chỉ có khí bẩm sinh và khí có được do ăn uống, dinh dưỡng.
Khi chúng ta quan sát tướng mặt người khác thì nên phân rõ cái gì là sắc bẩm sinh, cái gì là sắc có sau khi sinh. Thường thì những người kinh doanh khí sắc trên mặt thay đổi tương đối lớn. Bởi vì, khí sắc của họ có liên quan trực tiếp đến tiền tài. Sự ra vào của tiền tài ảnh hưởng đến tình cảm và trạng thái khí sắc đó.
Sắc thái của khuôn mặt có màu sắc như thế nào
Sắc thái của khuôn mặt là nền tảng để phán đoán sức sống của một người. Màu tía là màu da được phát ra từ tâm sinh lý khỏe mạnh, thấm vào gân, da, xương rồi hiện ra bên ngoài. Nó cho thấy sự khỏe mạnh về thân thể, sự vui vẻ về tinh thần. Khí phát ra từ khuôn mặt là biểu hiện nội tại của ngũ sắc, tốt nhất là hòa hợp, kỵ nhất là khí huyết không đủ. Nếu như khí của một người đầy đủ thì màu sắc của khí tươi tắn, sáng sủa, và người đó tất được phúc thọ, vạn sự như ý.
Nếu như thần khí xấu thì khí sắc u ám, người này không phát đạt và thường gặp tai họa. Khí phát từ trong ra ngoài nhưng cát hung không thể xác định ngay được, phải chờ cho tới khi sắc xuất hiện mới có thể xác định được cát hung. Sắc phải sáng, không được mờ đục hoặc là có màu đất đen. Có sắc tất sẽ có chuyện, có khí mà không có sắc thì không thể định được cát hung. Có sắc mà không có khí thì cát hung không rõ.
Muốn xem khí và sắc của một người trước hết là xem Ấn đường của người đó, thứ hai là xem Chuẩn đầu. Ấn đường là nơi khí sắc hội tụ, Chuẩn đầu là nơi khí sắc phát ra. Nếu là Ấn đường vàng hoặc tía quá mức cho thấy người này đang trên đà vận mệnh tốt. Nếu là khí sắc trên mặt vừa sẫm vừa không sẫm, vừa mông lung vừa như không mông lung thì là khí trệ. Nếu như trên mặt có màu sắc này tốt nhất là không nên tùy tiện hành động. Trên mặt khí sắc phải sáng và không được xám xịt, nếu như xám xịt thì cuộc đời gặp nhiều khó khăn, mọi việc khó phát triển, dễ bỏ lỡ cơ hội tốt.
Xem khí sắc qua màu da và độ sáng
Người mới tìm hiểu về tướng thuật thì đều cảm thấy việc nắm vững, phân tích khí sắc mang vẻ huyền bí, thâm hậu, khó hiểu. Khí sắc cơ bản có thể quy về màu da và độ sáng bóng.
Da trên mặt là một chiếc gương phản chiếu tình trạng cơ thể người, quan sát cẩn thận sự thay đổi, độ trơn bóng của da có thể hiểu được một số hoạt động tâm sinh lý nội tại và cát hung trong vận mệnh của họ.
Đặc biệt là trong chốn quan trường, màu vàng là màu biểu thị sự chính trực. Nếu nó bao phủ trên trán là tốt nhất. Nếu nó phân tán vào 2 mép, hiển thị người đó sắp thăng tiến. Nếu như Ấn đường có màu vàng cho thấy người này sắp có tiền tài và địa vị. Nếu như Ấn đường có màu tía và khí sáng ở phần Sơn căn cho thấy nội tâm của người này rất thỏa nguyện và đôi lúc đây là dấu hiệu có được lợi nhuận bất ngờ.
Nếu bụng mắt dưới của người mang thai có màu tía lẫn đỏ chủ người này cơ thể khỏe mạnh, sinh ra đứa con tốt. Nếu như 2 gò má đỏ nhẵn thì cho thấy tình cảm của người này ổn định, hài hòa, sức khỏe tốt, sự nghiệp của con cháu cũng suôn sẻ, thuận lợi.
Sách tướng xưa có nói: “Màu sắc chính của con người chủ yếu là màu vàng. Màu vàng phủ lên đỉnh thì tất có việc tốt, nếu màu vàng nằm ở hai bên thì ngày tiến thân sẽ không xa. Ấn đường màu vàng được phú quý, Ấn đường có màu tía chứng tỏ có được lợi nhuận bất ngờ. Nếu có màu hồng nằm ở giữa thì sinh con tốt”.
Cái gọi là xem sắc và khí, không chỉ cần xem sắc của da mà còn phải quan sát độ sáng của khí đó. Ngay cả có khí mà không có sắc thì cũng như không, có sắc không có khí cũng như vậy.
Da trắng nâu không sáng bóng một mặt hiển thị người này tình trạng cơ thể không tốt, không có sinh khí, mặt khác hiển thị người này sắp đối diện với một tai họa lớn. Màu sắc xanh nâu nếu thường xuyên hiển lộ ở dưới mắt cho thấy người này tâm thần bất định, đều là màu da không may mắn. Nếu sắc mặt như màu mực kết thành một khối như một tầng khói nâu cho thấy người này có quá nhiều điều phải lo lắng, tâm thần không ổn định, sắp có việc ngoài ý muốn xây. Nếu sắc mặt trắng bệnh cho thấy tâm lực của người này suy kiệt, sắp phải đối mặt với khó khăn. Nhưng, sắc mặt trắng mà có độ sáng bóng hoặc là sắc mặt xanh mà có tia tía thì không thể luận đoán như là màu xanh và màu trắng bình thường. Loại khí sắc không tốt là màu trắng bao quanh khuôn mặt, trên trán có màu xám. Nó cho thấy người này tinh thần tán loạn, tình cảm thất thường, không dễ làm chủ bản thân, dễ sinh ra họa.
Nếu như 2 má đỏ tươi, cằm có màu đỏ thẫm cho thấy tình cảm của người này đang xúc động, không thể khống chế được lý trí, hiểu sai người khác mà không thể tự chủ. Khí sắc trên mặt tốt nhất không nên có màu trắng, màu xanh. Màu xanh thường nhìn thấy dưới gốc mắt là người tại thời điểm đó vận mệnh không tốt.
Nếu như mặt một người từ màu xanh biến thành màu lam thì không nên giao thiệp. Nếu như nhìn thấy trên mặt đối phương có sắc xanh xao không sáng bóng thì đây là người ích kỷ, khó hợp với người khác, vô tình, vô nghĩa.
Người mà Chuẩn đầu, Mệnh môn, Ấn đường sáng lên thì cơ thể khỏe mạnh, không có dấu hiệu bất thường. Nếu có màu vàng tươi ở Niên thọ, Chuẩn đầu thì tai họa đã qua. Nếu 2 mắt thần tĩnh, thân an là dấu hiệu khỏi bệnh. Nếu khí sắc của người ốm mà có màu xám thì người đó sắp bị nguy hiểm đến tính mạng; nếu sắc mặt và Niên thọ có màu đỏ thẫm thì cũng sẽ gặp tai họa; nếu màu trắng sinh ra ở Ấn đường, màu vàng sinh ra ở miệng thì 37 tuổi phòng gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Các bộ phận hiển thị của khí sắc
Quan sát khí sắc của con người, ngoài xem có sắc trệ hay không thì còn phải thường xuyên quan sát các bộ phận hiển thị của khí sắc. Trong cuốn Tướng luận có nói: “Tâm thuộc Hỏa, phát ra khí táo, màu hồng phần nhiều ở Ấn đường. Tỳ thuộc Thổ, sắc xám, sắc vàng, phần nhiều nằm ở Thổ tinh (mũi). Phế thuộc Kim, sắc trắng mà khí xanh thì phần nhiều ở Tứ khố (2 góc ở bên trái và bên phải khuôn mặt, trên là Thiên thương, dưới là Địa khố, hợp lại gọi là Tứ khố). Thân thuộc Thủy, khí đục sắc đen, thường nằm ở Huyền bích và Địa khố (2 má và dưới tai). Màu đen vẫn là sắc ứng với thận, thận là gốc của cơ thể người. Vì thế, bất luận lúc nào xuất hiện màu này thì đều là sự biểu hiện của bệnh tật và tai họa nghiêm trọng.
Cho nên, khí sắc của người bình thường nên xuất hiện 4 màu: Màu xanh, đỏ thẫm, vàng, trắng. Mà 4 màu sắc này còn có thể theo sự chuyển đổi của mùa mà xuất hiện sự thay đổi. Đây chính là cái sắc trong các sách về tướng thường đề cập tới. Xem sự thay đổi của sắc thì mùa xuân xem Tam dương, mùa hạ xem Ấn đường, mùa thu chỉ xem Niên thọ, mùa đông xem Địa các.
Ví dụ: Mùa hạ Hỏa vượng, màu đỏ tía nên xuất hiện ở Sơn căn, hơn nữa nên là màu đỏ nằm ngoài da (sắc), màu tía nằm trong da (khí). Khí sắc đó là tượng trưng cho sự thoải mái về tình cảm, vạn sự như ý. Nếu như màu đỏ, đỏ thẫm sinh ra ở phần khác thì người này tất gặp chuyện thị phi ngoài ý muốn.